Lá Phan Chùa_Nành

Lá Phan hay lá Phướn trong Phật giáo có nhiều truyền thuyết về sự xuất hiện, nó là một loại cờ hay pháp khí dùng để trang nghiêm cảnh trí ở chùa chiền, đàn tràng, được chế tạo theo sự mô tả trong kinh điển. Các Bồ Tát cũng cầm các lá Phan này để cung rước Phật, cũng như tiếp dẫn các hương linh sau khi mất về các cảnh giới Tịnh Độ.

Lá Phan ở chùa Nành, Làng Nành cũng có một truyền thuyết riêng của làng.

Chuyện kể ngày xưa ở làng Nành có người đàn ông lái đò ở bờ sông Thiên Đức (Đuống), ông này chí có hai cái khố, 1 khố mới, 1 khố rách đang mặc. Một ngày dân làng kêu gọi quyên tiền ủng hộ chùa Pháp Vân (Nành), ông này có tâm nên muốn quyên chiếc khố mới. Dân cho là báng bổ, ông này chỉ biết giãi bày và chứng minh bằng cách mổ bụng moi ruột ra cho mọi người xem. Có con quạ bay đến cắp bộ lòng ông lái đò đem về cây đa đầu làng trên chỗ Thạch Sàng.

Sau đó mọi người hiểu chuyện nên làm lễ giải oan cho ông, hàng năm mở hội treo lá Phan (tượng trưng của cỗ lòng) để nhắc nhở về tấm lòng thanh tịnh chân thành khi hướng về Tam Bảo, nó vượt lên mọi hình tướng thế gian, ngay cả cái khố che nơi thân cũng có thể biến thành món lễ cúng dàng thanh tịnh, sự cúng dàng nằm ở nơi tâm.